Nếp da thừa hậu môn

Thứ bảy - 03/09/2022 07:48
Một số bố mẹ cho con đến khám tại phòng khám chuyên khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Nhi trung ương vì quan sát thấy vùng quanh hậu môn của con có một khối bất thường như một khối u. Thực tế trong đa số các trường hợp đây là nếp da thừa hậu môn.
Nếp da thừa hậu môn
Nếp da thừa hậu môn
Nhưng điều bố mẹ trẻ nên biết
  1. Tình trạng nếp da vùng hậu môn nhô lên và thừa ra là lành tính và sẽ tự khỏi sau vài tháng. Điều trị thường không cần thiết. Trẻ nên được đánh giá định kỳ (2 đến 3 tháng một lần) để bác sĩ theo dõi tiến triển.
  2. Tình trạng này có thể là thứ phát do táo bón hoặc kích ứng cơ học vùng quanh hậu môn, chẳng hạn như lau mạnh sau khi đại tiện hoặc tiểu tiện. Trẻ bị táo bón có thể được điều trị bằng cách uống nhiều nước và tăng cường ăn trái cây và rau quả. Có thể sử dụng các thuốc làm mềm phân nếu cần thiết. Cha mẹ nên vệ sinh vùng quanh hậu môn của trẻ một cách nhẹ nhàng.
  3. Một số trường hợp nếp da thừa hậu môn gặp biến chứng viêm nhiễm gây sưng đau tại chỗ. Trẻ cần đến khám tại cơ sở y tế và được sử dụng thuốc kháng sinh đường uống hoặc thuốc chống viêm bôi tại chỗ.

Nếp da thừa hậu môn là gì?
Nếp da thừa hậu môn là một khối lồi ở quanh hậu môn của trẻ, khối này mềm, hình chóp, bề mặt màu hồng, hoặc màu đỏ tía, nằm dọc theo đường giữa, thường ở phía trước của hậu môn. Đôi khi khối này có thể xuất hiện ở thành sau của hậu môn. Nếp da này thường không có triệu chứng, được phát hiện tình cờ qua quan sát hoặc do bác sĩ thăm khám tình trạng bệnh lý khác. Một số bé gặp phải tình trạng táo bón, đại tiện khó, được phát hiện qua thăm khám. Thường chỉ có một nếp da thừa đơn độc.
Biểu hiện của tình trạng này như thế nào?
Nếp da thừa hậu môn thường hay gặp nhất ở trẻ dưới 1 tuổi, trên 95% là ở trẻ gái. Đặc biệt dễ nhận biết thấy ở trẻ có tiền sử táo bón, nứt kẽ hậu môn.
Các bác sĩ chuyên khoa Ngoại tổng hợp – bệnh viện Nhi trung ương có thể dễ dàng chẩn đoán tình trạng này thông qua quan sát và kiểm tra tại chỗ. Không cần xét nghiệm gì đặc biệt. Các nghiên cứu mô học cho thấy đây là tổ chức da hậu môn thừa bình thường, trong đa số các trường hợp. Một số trường hợp đặc biệt liên quan đến các tổn thương da nhưng khá hiếm gặp.
Nếp da thừa hậu môn
Nếp da thừa hậu môn thông thường

Bác sĩ cũng cần phân biệt tình trạng này với các bệnh tương tự khác như mụn cóc sinh dục, bệnh trĩ, sa trực tràng, u máu quanh hậu môn và tổn thương u hạt của bệnh viêm ruột.
Đôi khi, tình trạng xuất hiện nếp da vùng hậu môn ở trẻ sơ sinh có thể là biểu hiện của bệnh xơ cứng teo cơ địa y bẩm sinh. Bác sĩ hoặc bố mẹ trẻ cần lưu ý đến các đặc điểm khác của bệnh xơ cứng teo cơ bẩm sinh, chẳng hạn như chứng khó tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, đau khi đai tiện, són phân, ngứa ngáy nứt kẽ hậu môn, đau nhức hoặc các bất thường khác ở vùng hậu môn sinh dục của trẻ.
Tuy vậy hình dạng bên ngoài của nếp da thừa hậu môn khá đặc trưng nên thường các bác sĩ không gặp khó khăn gì trong việc chẩn đoán. Do đó, việc đến các cơ sở chuyên khoa có kinh nghiệm là rất quan trọng, cho phép chẩn đoán nhanh chóng.
Nguyên nhân của tình trạng xuất hiện nếp da vùng hậu môn.
Các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện được căn nguyên chính xác gây nên nếp da thừa hậu môn này. Có thể là do phần còn sót lại của một đỉnh hình chiếu của vách ngăn niệu dục – cấu trúc từ thời kì bào thai ở trẻ nữ, đây cũng là một điểm yếu cố hữu dọc theo đường giữa ở vùng đáy chậu nữ giới. Điều này giải thích vì sao đa số các trường hợp gặp ở trẻ gái.
Một tình trạng khác, nếp da thừa xuất hiện thứ phát sau táo bón hoặc kích ứng cơ học vùng quanh hậu môn, chẳng hạn như động tác lau mạnh vùng quanh hậu môn sau khi đại tiện hoặc tiểu tiện.
Nếp da thừa hậu môn
Một dạng nếp da thừa hậu môn thường gặp ở trẻ em


Điều trị nếp da thừa hậu môn như thế nào?
Nếp da thừa hậu môn không cần thiết phải điều trị trừ khi chúng có biến chứng. Khi đã xuất hiện, tình trạng này có thể kéo dài trong vài tháng, có thể tăng kích thước đôi chút rồi sẽ tự thoái triển. Trẻ sẽ không có triệu chứng gì đặc biệt và không có gì ảnh hưởng đến sinh hoạt thông thường.
Trẻ cũng cần được theo dõi và thăm khám lại định kì tại phòng khám chuyên khoa Ngoại tổng hợp bệnh viện Nhi trung ương để chắc chắn là vẫn trong tình trạng ổn định.
Tuy nhiên, tình trạng viêm nhiễm tại chỗ có thể xảy ra, biểu hiện là tổ chức nếp da thừa sưng to, tấy đỏ, trẻ có thể đau khi đi đại tiện, chảy máu tại chỗ, … Nguyên ngân do tình trạng táo bón. Điều trị triệu chứng có thể sẽ cần sử dụng kháng sinh đường uống, hoặc các thuốc chứa corticosteroid (betamethasone) hoặc thuốc ức chế calcineurin tại chỗ (tacrolimus, pimecrolimus). Việc sử dụng theo chỉ định của bác sĩ corticosteroid tại chỗ hoặc chất ức chế calcineurin tại chỗ là tương đối an toàn. Rất hiếm khi cần can thiệp phẫu thuật hay thủ thuật tại khu vực này.
img 6213
Nếp da thừa hậu môn có biến chứng nhiễm trùng

Đối với nguyên nhân, cần điều trị dứt điểm tình trạng táo bón. Bố mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, tăng cường ăn thức ăn có hàm lượng chất xơ cao, và nếu cần thiết, sử dụng các thuốc làm mềm phân như lactulose.

 

Tác giả bài viết: BS. Trần Đức Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bình luận

Ngoại nhi - chuyên ngành phẫu thuật cho trẻ em

Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành...

Thống kê
  • Đang truy cập5
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay935
  • Tháng hiện tại25,709
  • Tổng lượt truy cập2,043,342
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây