Những câu hỏi thường gặp về tinh hoàn ẩn ở trẻ em

Chủ nhật - 02/07/2023 04:35
Tinh hoàn ẩn ở trẻ em là bệnh lý thường gặp. Điều trị ẩn tinh hoàn như thế nào, chi phí điều trị ra sao, tinh hoàn xuống bìu được không đều là những câu hỏi thường gặp. Bác sĩ sẽ trả lời các thắc mắc trong bài viết này.

Xem thêm:
Thông tin về bệnh lý: Tinh hoàn ẩn ở trẻ em.
Thông tin về điều trị: Phương pháp điều trị.
Video Phẫu thuật nội soi điều trị ẩn tinh hoàn:  Video phẫu thuật


Tinh hoàn ẩn là gì?

Tinh hoàn ẩn là tình trạng tinh hoàn không nằm ở vị trí bình thường là trong bìu cùng bên, mà ở bất kì vị trí nào khác: trong ổ bụng, vùng bẹn, bìu bên đối diện,.., khái niệm ẩn tinh hoàn bao gồm cả các trường hợp tinh hoàn teo nhỏ, hoặc không có tinh hoàn.

Tinh hoàn ẩn ở trẻ có thường gặp?

Tinh hoàn ẩn hay ẩn tinh hoàn ở trẻ là bệnh lý thường gặp, đặc biệt là ở trẻ đẻ non do cơ thể chưa phát triển đầy đủ

Phẫu thuật tinh hoàn ẩn là làm gì?

Phẫu thuật điều trị tinh hoàn ẩn hay còn gọi là phẫu thuật hạ tinh hoàn là ca mổ được thực hiện bởi các bác sĩ ngoại nhi (phẫu thuật viên làm việc toàn thời gian điều trị cho trẻ em). Khi phẫu thuật các bác sĩ sẽ tìm tinh hoàn, cố gắng đưa tinh hoàn về vị trí an toàn là vị trí gần bìu nhất và thấp nhất có thể.

Tinh hoàn ẩn ở người trưởng thành có thể gặp hay không?

Tinh hoàn ẩn có thể gặp ở người trưởng thành – những người mà từ khi còn nhỏ chưa được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hoặc những trường hợp có các bệnh lý khác làm cho tinh hoàn di chuyển đi chỗ khác. Tinh hoàn ẩn ở người trưởng thành có thể gây nên các tình trạng bệnh lý như: suy giảm chất lượng tinh trùng, ảnh hưởng đến nội tiết tố nam (testosterone), tinh hoàn bị ác tính hóa gây bệnh ung thư. Nguy cơ ung thư tinh hoàn ở người có tinh hoàn ẩn cao gấp 6 lần người có tinh hoàn bình thường.

Tinh hoàn ẩn ở trẻ sơ sinh có phát hiện được hay không?

Tinh hoàn ẩn có thể được phát hiện từ thời kì sơ sinh khi trẻ mới đẻ ra, bố mẹ hoặc người chăm sóc không quan sát thấy hoặc sờ thấy tinh hoàn ở bìu của trẻ. Tinh hoàn ẩn còn có thể phát hiện từ trước sinh bởi các bác sĩ siêu âm.

Phẫu thuật tinh hoàn ẩn có nguy hiểm không?

Bất cứ phẫu thuật nào trên đối tượng trẻ em hoặc người lớn đều tiềm ẩn nguy cơ có các tai biến, biến chứng. Tuy nhiên đa số các ca phẫu thuật đều an toàn và hiệu quả, tỉ lệ biến chứng thấp. Cần phải chấp nhận tỉ lệ rủi ro thấp để có thể chữa khỏi bệnh. Có thể nói mổ tinh hoàn không nguy hiểm.  

Biến chứng sau phẫu thuật tinh hoàn ẩn là gì?

Sau phẫu thuật điều trị tinh hoàn ẩn có thể gặp phải một số biến chứng với xác suất xảy ra thấp.. Biến chứng chung của bất cứ ca phẫu thuật nào như: chảy máu, nhiễm trùng vết mổ,… Sau một thời gian có thể có biến chứng như tinh hoàn vẫn chưa xuống bìu, cần phải điều trị lần thứ hai.
an tinh hoan 1
Đường mổ ẩn tinh hoàn rất nhỏ nên ít gây đau sau mổ

Chi phí phẫu thuật tinh hoàn ẩn

Chi phí mổ tinh hoàn ẩn được quy định theo Bảo hiểm y tế và quy định của từng bệnh viện.

Tinh hoàn chưa xuống bìu là gì?

Tinh hoàn chưa xuống bìu là cách gọi quen thuộc của bệnh lý ẩn tinh hoàn. Đều là tình trạng tinh hoàn không ở vị trí bình thường. Tinh hoàn chưa xuống bìu ở trẻ sơ sinh, tinh hoàn không xuống bìu cũng là một cách gọi khác.

Mổ tinh hoàn ẩn ở đâu tốt nhất?

Phẫu thuật hạ tinh hoàn xuống bìu nên được thực hiện ở các bệnh viện chuyên về nhi khoa, nơi có các bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê hồi sức thường xuyên thực hiện phẫu thuật trên đối tượng trẻ em và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Tinh hoàn ẩn có sinh con được không?

Tinh hoàn ẩn có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh tinh trùng của tinh hoàn, cũng như ảnh hưởng đến việc tiết ra nội tiết tố nam (testosterone) của cơ thể nên có thể ảnh hưởng đến việc sinh con. Mức độ ảnh hưởng như thế nào tùy vào từng cá nhân, vào việc có được điều trị đúng cách hay không.

Tinh hoàn di chuyển xuống bìu như thế nào?

Tinh hoàn từ thời kì bào thai phát triển ở phía trên vùng bụng. Sau đó sẽ di chuyển dần dần từ bụng – vào lỗ bẹn sâu – trong ống bẹn – lỗ bẹn nông – gốc bìu – xuống bìu. Bất cứ vị trí nào mà tinh hoàn dừng lại không di chuyển nữa thì tinh hoàn được coi là ẩn ở vị trí đó.

Tinh hoàn ẩn và tinh hoàn lạc chỗ có khác nhau không?

Tinh hoàn ẩn (hay ẩn tinh hoàn) và tinh hoàn lạc chỗ đều cùng chỉ một bệnh lý trong đó tinh hoàn không ở vị trí bình thường là ở bìu. Tuy nhiên tinh hoàn lạc chỗ còn bao hàm cả tình huống tinh hoàn không ở vị trí trên đường di chuyển thông thường: ổ bụng, ống bẹn, gốc bìu, bìu, lúc này tinh hoàn phát triển ở vị trí bất thường.

Ẩn tinh hoàn ở trẻ nhỏ khi nào cần mổ?

Tuổi mổ tốt nhất để hạ tinh hoàn là độ tuổi 12 tháng đến 18 tháng. Một số nơi bắt đầu mổ từ khi trẻ 6 tháng, tuy nhiên các bác sĩ thấy kết quả không có sự khác biệt với lứa tuổi 12 – 18 tháng

Tinh hoàn ẩn 1 bên hay 2 bên có khác gì nhau?

Tinh hoàn có thể bị ẩn 1 bên hay 2 bên không có sự khác biệt về chẩn đoán và điều trị. Điều quan trọng là vị trí của tinh hoàn tại thời điểm mổ và kết quả sau khi mổ có thể hạ tinh hoàn xuống thấp nhất ở đâu.

Mổ nội soi tinh hoàn ẩn có phải là phương pháp tốt hơn mổ mở?

Đối với bệnh lý ẩn tinh hoàn, phẫu thuật nội soi không phải là phương pháp tốt hơn hay hiệu quả hơn so với phẫu thuật mổ mở. Tùy vào vị trí của tinh hoàn mà bác sĩ sử dụng phương pháp nào. Phẫu thuật nội soi chỉ áp dụng trong trường hợp tinh hoàn nằm sâu trong ổ bụng, cần phải tìm và hạ tinh hoàn từ trong ổ bụng. Còn đối với tinh hoàn đã nằm trong ống bẹn, mổ trực tiếp tại vị trí bẹn là phương pháp tốt nhất để hạ tinh hoàn xuống bìu.  

Bệnh ẩn tinh hoàn ở trẻ em có điều trị bằng thuốc không cần phẫu thuật được không?

Điều quan trọng trong việc điều trị ẩn tinh hoàn là phải đạt được mục tiêu tinh hoàn có vị trí thuận lợi để phát triển. Bác sĩ cần thăm khám trực tiếp từng trường hợp để có phương pháp điều trị thích hợp. Thông thường có điều trị thuốc hay không, vẫn cần phải phẫu thuật để cố định tinh hoàn vào vị trí thấp nhất ở bìu.

Tinh hoàn nằm trong ổ bụng điều trị như thế nào?

Tinh hoàn ẩn mà nằm trong ổ bụng là trường hợp nặng của bệnh lý ẩn tinh hoàn. Đòi hỏi phải phẫu thuật nội soi vào trong ổ bụng để tìm và đưa tinh hoàn ra ngoài. Có thể cần phẫu thuật 1 lần hoặc 2 lần, thậm chí nhiều hơn 2 lần để từng bước một đưa tinh hoàn đến vị trí tốt nhất.
an tinh hoan noi soi
Tinh hoàn ẩn trong ổ bụng cần phải phẫu thuật nội soi tìm và hạ

Ẩn tinh hoàn có nguy hiểm không?

Tinh hoàn ẩn không phải là một bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và chức năng của tinh hoàn, gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Nguy cơ ung thư tinh hoàn ở người có tinh hoàn ẩn cao gấp 6 lần người có tinh hoàn bình thường. Ngoài ra tinh hoàn ẩn trong ống bẹn có thể có nguy cơ bị xoắn, hoại tử, dẫn đến phải cắt bỏ tinh hoàn.
xoan tinh hoan an
Hình ảnh tinh hoàn xoắn hoại tử trong ống bẹn do không được điều trị thích hợp

Phát hiện bệnh tinh hoàn ẩn ở trẻ sơ sinh cần làm gì?

Không cần làm gì. Gia đình cần cho trẻ đi khám tại bệnh viện Nhi khi trẻ được 1 năm tuổi để bác sĩ thăm khám và điều trị.

Bệnh tinh hoàn ẩn có chữa được không?

Tinh hoàn có thể được điều trị khỏi nếu đi khám và phẫu thuật đúng thời điểm.

Phẫu thuật tinh hoàn ẩn ở viện Nhi trung ương như thế nào?

Bệnh viện Nhi trung ương là bệnh viện đầu ngành về lĩnh vực Nhi khoa trên toàn quốc, hàng năm Bệnh viện tiến hành phẫu thuật trên 10.000 ca với tỉ lệ tai biến, biến chứng thấp. Gia đình cần cho con đến khám khi trẻ được 12 – 18 tháng tuổi. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ thăm khám và xác định phương pháp mổ thích hợp.

Điều trị tinh hoàn ẩn có mất nhiều thời gian không?

Đa số các ca mổ điều trị ẩn tinh hoàn chỉ cần nằm viện 1 ngày sau mổ. Trẻ có thể trở về sinh hoạt bình thường ngay sau mổ. Gia đình chỉ cần lưu ý đến thời gian khám lại được bác sĩ thông báo sau mổ.

Mổ tinh hoàn ẩn có đau không?

Mổ ẩn tinh hoàn là phẫu thuật ít đau. Với sự phát triển của chuyên ngành gây mê hồi sức và chuyên ngành phẫu thuật, trẻ có thể trở lại sinh hoạt bình thường ngay sau mổ. Đa số các trẻ chỉ cần sử dụng các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol.

Xin hỏi thêm 1 lần nữa, phẫu thuật tinh hoàn ẩn có nguy hiểm không?

Phẫu thuật không nguy hiểm. Có tỉ lệ thấp tai biến biến chứng, cần phải chấp nhận tỉ lệ thấp này để có thể điều trị. Nếu không điều trị, có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và đối mặt với nguy cơ ung thư tinh hoàn.

Sau mổ tinh hoàn xuống bìu được không?

Mục tiêu của ca mổ là để hạ tinh hoàn xuống vị trí thấp nhất có thể. Tùy vào vị trí ban đầu của tinh hoàn, độ dài của ống dẫn tinh và mạch máu tinh hoàn mà có thể đạt được mục tiêu hay không. Đa số các trẻ nếu được chẩn đoán và điều trị sớm có thể đạt được mục tiêu này.

Tinh hoàn ẩn 1 bên ở trẻ sơ sinh cần phải làm gì?

Chăm sóc trẻ như bình thường, đợi đến khi trẻ 12 tháng cho trẻ đến bệnh viện Nhi – nơi có các bác sĩ phẫu thuật viên nhi khoa có kinh nghiệm để thăm khám và điều trị đúng cách.

Mổ tinh hoàn ẩn có nguy hiểm không?

Đây là câu hỏi lần thứ 3. Đề nghị xem lại 2 câu trả lời phía trên.

Bệnh ẩn tinh hoàn có được hưởng bảo hiểm y tế khi điều trị hay không?

Điều trị ẩn tinh hoàn có được hưởng bảo hiểm y tế. Mức hưởng tùy thuộc vào từng đối tượng và tùy thuộc vào việc điều trị ở đâu. Nếu muốn được hưởng gần như toàn bộ chi phí điều trị, gia đình cần xin giấy chuyển viện theo đúng tuyến, từ tuyến khám chữa bệnh ban đầu (thường là tuyến xã, huyện..) lên tuyến cao hơn là tuyến tỉnh, sau đó lên tuyến trung ương.

Tinh hoàn ẩn 2 bên điều trị như thế nào, có khó khăn hơn so với 1 bên?

Tinh hoàn ẩn 2 bên điều trị không khác gì so với tinh hoàn ẩn 1 bên. Điều quan trọng là thời điểm điều trị cần hợp lý (12 – 18 tháng tuổi), tránh điều trị muộn bởi vì chức năng của 2 tinh hoàn bị ảnh hưởng thì sẽ xấu hơn là chức năng của 1 tinh hoàn. Điều khó khăn khi điều trị ẩn tinh hoàn là ở vị trí của tinh hoàn, chứ không phải là ở số lượng 1 bên hay 2 bên.

Tinh hoàn ẩn ở trẻ em hay của người lớn có khác nhau trong việc điều trị không?

Không khác nhau, đều cần phải đưa tinh hoàn về vị trí tốt nhất. Người lớn hay trẻ lớn sẽ khó đưa về vị trí bình thường hơn do tinh hoàn đã trải qua thời gian dài không được ở trong môi trường phát triển tốt, độ dài ống dẫn tinh, độ dài mạch máu ngắn, tinh hoàn kém phát triển, kích thước nhỏ.

Ẩn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh cần lưu ý gì?

Không cần lưu ý gì, chỉ cần nhớ thời điểm đi khám là từ 12 – 18 tháng tuổi.

Mổ tinh hoàn có đau không?

Mổ tinh hoàn là ca mổ ít đau. Chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau thông thường là đủ để trở về với sinh hoạt bình thường.

Xem thêm:
Thông tin về bệnh lý: Tinh hoàn ẩn ở trẻ em.
Thông tin về điều trị: Phương pháp điều trị.
Theo dòng sự kiện: Tinh hoàn ẩn


 

Tác giả bài viết: BS. Trần Đức Tâm

 Tags: ẩn tinh hoàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bình luận

Ngoại nhi - chuyên ngành phẫu thuật cho trẻ em

Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành...

Thống kê
  • Đang truy cập5
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm2
  • Hôm nay1,085
  • Tháng hiện tại25,859
  • Tổng lượt truy cập2,043,492
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây