Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh

Thứ hai - 26/02/2024 11:53
Viêm ruột hoại tử (Necrotizing enterocolitis - NEC) là tình trạng bệnh nguy hiểm, gặp chủ yếu ở trẻ sơ sinh với tỉ lệ tử vong lên đến 50%. Đặc điểm bệnh lý của tình trạng này là tình trạng viêm của đường tiêu hoá làm cho xâm nhập vi khẩn, tổn thương thành ruột dẫn đến hoại tử của ruột non và đại tràng.
Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh
Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh

I. Triệu chứng lâm sàng của viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh

Viêm ruột hoại tử (NEC) ở trẻ sơ sinh có biểu hiện tam chứng kinh điển: chướng bụng (75%), phân có máu (28%) và nôn dịch mật/nôn (18%).
Trên X quang, hình ảnh điển hình là hình khí trong thành ruột và/hoặc khí tĩnh mạch cửa là những dấu hiệu đặc trưng.
NEC có thể khởi phát đột ngột với sốc và suy tuần hoàn, nhưng cũng có thể biểu hiện âm thầm với các dấu hiệu không đặc hiệu (lơ mơ, nhiệt độ không ổn định hoặc ngưng thở).
Triệu chứng lâm sàng của viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh không đặc hiệu, không rõ ràng để chẩn đoán nên việc chẩn đoán chính xác là một thách thức cho bác sĩ lâm sàng. Ví dụ như trong trường hợp dịch dạ dày ứ đọng có thể là dấu hiệu đặc trưng của NEC, nhưng cũng có thể là dấu hiệu bình thường ở trẻ sinh non. Trẻ sơ sinh có các bệnh lý khác ở bụng hoặc nhiễm trùng huyết cũng có thể có những dấu hiệu không đặc hiệu này.
Những trẻ có nguy cơ cao bị viêm ruột hoại tử:
- Trẻ sơ sinh đẻ non,
- Có mẹ dùng nhiều liều steroid trước khi sinh,
- Có bệnh lý phối hợp gây cung lượng tim thấp và thiếu máu cục bộ
- Dùng indomethacin,
- Dung thuốc chẹn H2
 - Có trên 5 ngày điều trị bằng kháng sinh
Với những trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh, các dấu hiệu không đặc hiệu cần được xem xét cẩn thận để có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Việc điều trị sớm cho trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh, khi triệu chứng không rõ ràng có thể làm giảm tình trạng nặng khi bệnh xảy ra. Các biện pháp điều trị này bao gồm: nhịn ăn, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, kháng sinh, xét nghiệm, Xquang bụng định kì.

II. Đánh giá trẻ nghi ngờ mắc viêm ruột hoại tử (NEC)

Trẻ nghi ngờ mắc viêm ruột hoại tử cần được đánh giá cẩn thận:
a) Dấu hiệu sinh tồn, tình trạng tim mạch/ hô hấp/ thần kinh
b) Tình trạng huyết động (refill, huyết áp, lượng nước tiểu)
c) Khám và chức năng tiêu hóa (nghe nhu động ruột, tình trạng chướng bụng, màu sắc, độ dày thành bụng, chu vi vòng bụng, tuần hoàn bàng hệ,…)

III. Các biện pháp can thiệp nếu trẻ có nguy cơ cao

a) Hạn chế thức ăn qua đường miệng, tốt nhất cho nhịn ăn uống.
b) Giảm áp dạ dày: không chỉ đặt và lưu sonde dạ dày mà cần chuyển sang hút liên tục
c) Đánh giá bằng X quang: chụp X-quang tư thế nghiêng trước sau và nghiêng trái
d) Xét nghiệm máu:
i) Nếu nghi ngờ NEC nhưng chưa xác định rõ ràng, đánh giá tình trạng nhiễm trùng (trong máu, nước tiểu, dịch não tủy), xét nghiệm máu trong phân, công thức máu, CRP và các xét nghiệm chuyển hóa cơ bản
ii) Nếu NEC xác định hoặc tiến triển dựa trên X-quang và biểu hiện lâm sàng: khí máu, công thức máu, CRP, các xét nghiệm chuyển hóa cơ bản, cấy máu
e) Bù dịch
- Trẻ sơ sinh có thay đổi về tình trạng huyết động hoặc bệnh nặng có thể cần thay thế thể tích gấp đôi trong trường hợp bệnh nặng
- Trẻ sơ sinh cực non yếu (VLBW) không dung nạp tốt chất lỏng quá mức nên cần đặc biệt chú ý đến thành phần dịch truyền
f) Đánh giá khả năng cần phải phẫu thuật đối với NEC giai đoạn II hoặc III
-  Với bệnh nặng và/hoặc đang tiến triển, cần hội chẩn bác sĩ chuyên khoa Ngoại xét chỉ định phẫu thuật
- Việc theo dõi từ sớm, trước khi bệnh chuyển biến nặng có thể giúp bác sĩ ngoại đánh giá chính xác hơn.
g) Đối với NEC cần can thiệp phẫu thuật
- Trẻ sơ sinh dưới 1000 gram: dẫn lưu ổ bụng tối thiểu
- Trẻ sơ sinh >1500 gram: mở bụng thăm dò, xử lý theo thương tổn

IV. Những điểm cần lưu ý trong theo dõi và điều trị

a) Tần suất xét nghiệm sẽ dựa diễn biến lâm sàng. Đối với mức độ từ trung bình đến nặng, các rối loạn có thể xảy ra đột ngột và nghiêm trọng, đặc biệt khi bệnh tiến triển.
b) Một nghiên cứu tổng quan về các xét nghiệm trong chẩn đoán NEC đã báo cáo: CRP là một “dấu hiệu tương đối nhạy cảm nhưng không đặc hiệu đối với NEC”, giảm tiểu cầu xảy ra ở nhiều tình trạng bệnh hệ thống ở trẻ sơ sinh và số lượng tiểu cầu thấp nhất thường xảy ra sau khi đã có chẩn đoán do đó ít có giá trị trong chẩn đoán. CRP đã được chứng minh là bất thường ở trẻ sơ sinh mắc NEC giai đoạn II và III trong 24-48 giờ nhưng cũng có thể dương tính ở các tình trạng bệnh khác (ví dụ, nhiễm trùng huyết).
c) Ruột viêm nặng dẫn đến hoại tử thủng nhiều khả năng xảy ra nhất trong vòng 48 giờ kể từ khi bệnh khởi phát.
d) Siêu âm bụng có thể có giá trị chẩn đoán viêm ruột hoại tử giai đoạn IIB hoặc IIIA trong khi X quang không có dấu hiệu điển hình.
e) Có thể ngừng hút dạ dày khi dịch dạ dày ra dưới < 3 ml/kg/8h
f) Không nên chụp lưu thông ruột với thuốc cản quang khi mà trẻ chưa ăn được qua đường miệng. Chỉ nên chụp nếu có nghi ngờ tắc ruột, khi đã loại trừ nguy cơ hoại tử thủng ruột.
g) Nên theo dõi chặt chẽ nồng độ kháng sinh để giảm thiểu độc tính.
 

Tác giả bài viết: BS. Trần Đức Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bình luận

Ngoại nhi - chuyên ngành phẫu thuật cho trẻ em

Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành...

Thống kê
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay956
  • Tháng hiện tại25,730
  • Tổng lượt truy cập2,043,363
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây