Hẹp bao quy đầu ở trẻ em

Thứ ba - 05/02/2019 21:07
Hẹp bao quy đầu là tình trạng không thể kéo phần da bao phủ quanh phần đầu dương vật để lộ ra toàn bộ quy đầu. Tình trạng này có thể biểu hiện như một vòng hẹp (vòng xơ trắng) ở vùng đầu dương vật, làm cho quy đầu không thể lộn ra ngoài.
Hẹp bao quy đầu ở trẻ em

Hẹp bao quy đầu là gì?

Hẹp bao quy đầu là tình trạng không thể kéo phần da bao phủ quanh phần đầu dương vật để lộ ra toàn bộ quy đầu. Tình trạng này có thể biểu hiện như một vòng hẹp (vòng xơ trắng) ở vùng đầu dương vật, làm cho quy đầu không thể lộn ra ngoài. Hẹp bao quy đầu có thể gặp ở 1% trong số những bé trai 7 tuổi.
Có hai dạng hẹp bao quy đầu: hẹp bao quy đầu sinh lý và hẹp bao quy đầu bệnh lý.
Hẹp bao quy đầu sinh lý: Thông thường, bé trai khi sinh ra bao quy đầu là một vòng da dính chặt vào quy đầu và sẽ được nong rộng ra một cách tự nhiên khi đến khoảng 5 – 7 tuổi. Chính vì vậy, ở những trẻ dưới 5 tuổi, bao quy đầu hẹp được coi là sinh lý bình thường, ở một số trẻ, tình trạng này có thể kéo dài hơn một chút.
hep bao quy dau 2
Hẹp bao quy đầu sinh lý
Hẹp bao quy đầu bệnh lý: là tình trạng bao quy đầu bị hẹp thực sự do sẹo xơ, viêm hay nhiễm trùng. Cố gắng lộn bao quy đầu xuống trong trường hợp này có thể gây chảy máu, tạo sẹo xơ. Thậm chí có thể gây tổn thương tâm lý cho trẻ em hay bố mẹ. Nếu bao quy đầu phồng lên, trẻ phải rặn hoặc đau khi đi tiểu, tia nước tiểu nhỏ, bao quy đầu sưng nề tấy đỏ, đó chính là tình trạng nặng, phải can thiệp sớm.
hep bao quy dau 1
Hẹp bao quy đầu bệnh lý - có vòng xơ hẹp

Chăm sóc bao quy đầu như thế nào?

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, không cần chăm sóc gì đặc biệt cho bao quy đầu. Không nên cố gắng bóc tách hoặc lộn bao quy đầu một cách thô bạo. Chỉ cần nhẹ nhàng kéo bao quy đầu xuống sao cho bao quy đầu căng ra là đạt yêu cầu. Động tác này nên làm khi tắm cho bé hoặc lúc thay tã, kết hợp với việc vệ sinh làm sạch phần da được kéo ra. Lặp đi lặp lại hàng ngày, mỗi ngày kéo căng hơn 1 chút, dần dần bao quy đầu sẽ rộng ra và mềm mại. Khi bé lớn hơn, bao quy đầu đã được kéo xuống gần hết, bé có thể học cách tự mình kéo lộn bao quy đầu ra để tự vệ sinh hàng ngày. Cần nhớ sau khi lộn bao quy đầu xuống để vệ sinh, phải lộn trở lại như bình thường để che phủ đầu dương vật, tránh tình trạng bao quy đầu vẫn còn căng ở phía dưới, sẽ gây thắt nghẹt rãnh quy đầu, một biến chứng gọi là “thắt nghẹ bao quy đầu do hẹp không hoàn toàn – paraphymosis”.
Việc chăm sóc bao quy đầu cũng đã được hướng dẫn bởi các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương.
Hướng dẫn nong, vệ sinh bao quy đầu bằng hình ảnh có thể xem tại đây: Hình ảnh hướng dẫn nong bao quy đầu cho trẻ
nong bao quy dau
Nong bao quy đầu

Cặn trắng quy đầu

Khi tách dính hoặc lộn hoàn toàn bao quy đầu ra, có thể thấy những cặn trắng hoặc vàng phía bên trong, ở giữa hai lớp da. Chúng thường đóng lại thành từng hạt và có thể nhìn thấy từ bên ngoài. Tại phòng khám của Khoa Ngoại tổng hợp bệnh viện Nhi trung ương, đôi khi gặp những cặn trắng lớn, đẩy lồi thành cục ở quy đầu, làm gia đình nghĩ rằng trẻ có bị khối u hay ung thư của dương vật. Những chất cặn trắng này có thể gây đau và là nguyên nhân gây nhiễm trùng và viêm bao quy đầu. Khi phát hiện có cặn trắng, các bác sĩ sẽ có chỉ định tách dính bao quy đầu chủ động để vệ sinh làm sạch quy đầu.
can trang bao quy dau
Cặn trắng bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu được chẩn đoán như thế nào?

Trong hẹp bao quy đầu sinh lý, thông thường không có gì đặc biệt, một vài tình trạng cần phải đến bác sĩ khám đó là
  •  Phát hiện thấy có nang hoặc khối cứng đẩy lồi da bao quy đầu lên (bản chất là chất cặn trắng lắng đọng)
  • Bao quy đầu phồng lên khi đi tiểu.
Tùy vào tuổi của bé, mức độ chít hẹp nhiều hay ít mà bác sĩ có thể chỉ định tách dính bao quy đầu chủ động hoặc hướng dẫn gia đình tự nong bao quy đầu tại nhà.
hep bao quy dau 4
Hẹp bao quy đầu gây phồng
 
Những trường hợp hẹp bao quy đầu bệnh lý: Không nên cố gắng kéo lộn xuống hết bởi vì động tác này có thể gây biến chứng: rách bao quy đầu, đứt hãm quy đầu gây chảy máu, sưng nề bao quy đầu, đái khó, bí đái do đau, đau khi cương cứng, viêm nhiễm da bao quy đầu tái đi tái lại. Nặng nề hơn, nếu cố gắng kéo xuống mà không kéo lên kịp thời, vòng da hẹp sẽ thắt chặt rãnh quy đầu, gây tình trạng phù nề, sưng mọng của quy đầu. Một biến chứng khác ít gặp hơn nhưng điều trị khá phức tạp đó là nhiễm khuẩn tiết niệu.
ban hep bao quy dau
Bán hẹp bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu điều trị như thế nào

Có nhiều phương pháp điều trị hẹp bao quy đầu phụ thuộc vào tuổi hay mức độ hẹp nặng hay nhẹ. Có thể có các phương pháp: nong bao quy đầu hàng ngày, dùng thuốc làm mềm tổ chức xơ cứng hay cắt bao quy đầu.

Phương pháp dùng thuốc điều trị hẹp bao quy đầu:

Các nghiên cứu và thực tế đã chứng minh có thể sử dụng Steroid dạng mỡ có tá dụng điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ em. Thậm chí nó còn có tác dụng tốt đối với người lớn. Thuốc có tác dụng làm mềm tổ chức sừng, xơ trai ở vòng bao quy đầu. Thuốc được dùng tốt nhất kèm theo động tác massage (day day) nhẹ, và nong, kéo dần bao quy đầu xuống dưới thân dương vật. Dùng thuốc 2 lần/ ngày trong vòng 6 – 8 tuần sẽ có hiệu quả rõ nét. Khi mà bao quy đầu có thể tuột hết xuống dưới một cách dễ dàng, có thể ngừng bôi thuốc nhưng vẫn phải lặp đi lặp lại động tác này hàng ngày (khi tắm hoặc khi đi vệ sinh) để ngăn ngừa hẹp bao quy đầu tái phát. Loại thuốc được dùng phổ biến nhất đó là hydrocortisone 2.5%, betamethasone 0.05% (Gentrisone, Diprosalic,…)

Cắt bao quy đầu ở trẻ em

Không phải tất cả các trường hợp hẹp bao quy đầu đều cần phải cắt. Khác với các phòng khám tư khác, ở Khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Nhi trung ương, tỉ lệ trẻ phải cắt bao quy đầu rất thấp. Chúng tôi chỉ chỉ định phẫu thuật cắt bao quy đầu trong các trường hợp hạn chế, như: điều trị thuốc thất bại, hẹp bao quy đầu bệnh lý, hẹp bao quy đầu gây thắt nghẹt, nhiễm khuẩn tiết niệu tái đi tái lại nhiều lần, hoặc viêm bao quy đầu nặng, tái phát.
 
 

Nếu bố mẹ trẻ phát hiện các vấn đề bất thường ở bao quy đầu của trẻ, có thể cho trẻ đến thăm khám tại Phòng khám chuyên khoa Ngoại tổng hợp, bệnh viện Nhi Trung ương. Thời gian khám bệnh từ 7h00 - 16h30 tất cả các ngày trong tuần, kể cả Thứ Bảy, Chủ Nhật. Chúng tôi hiện nay có 2 phòng khám:
- Phòng khám D118, khoa Khám bệnh chuyên khoa, tầng 1 nhà 15 tầng – Bệnh viện Nhi trung ương (thuận tiện khi đi từ cổng bệnh viện phía đường Chùa Láng).
- Phòng khám 23, khoa Khám bệnh đa khoa, Bệnh viện Nhi trung ương (thuận tiện khi đi từ cổng bệnh viện phía đường Đê La Thành).



Xem thêm: Chăm sóc bao quy đầu như thế nào

Tác giả bài viết: BS. Trần Đức Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bình luận

Ngoại nhi - chuyên ngành phẫu thuật cho trẻ em

Các phẫu thuật viên nhi khoa có nhiệm vụ khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý cần phải phẫu thuật cho đối tượng trẻ em. Website mong muốn cung cấp một phần nhỏ kiến thức vê lĩnh vực ngoại nhi cho bố mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như góp thêm ý kiến cho các nhân viên y tế thuộc chuyên ngành...

Thống kê
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay941
  • Tháng hiện tại17,240
  • Tổng lượt truy cập2,014,379
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây